Luật Nhà giáo – chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục

Việc Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo là minh chứng cho cam kết của Đảng và Nhà nước trong việc tạo đột phá, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện Luật Nhà giáo là một quá trình phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với việc xây dựng và ban hành Luật.

Luật Nhà giáo được xây dựng theo tinh thần ‘kiến tạo phát triển’ của Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị. Đây là công cụ pháp lý mạnh mẽ để chuyển đổi nền giáo dục Việt Nam, không chỉ giải quyết các bất cập hiện tại mà còn mở ra kỷ nguyên mới cho nghề dạy học, nơi nhà giáo được coi là tài sản quý giá nhất và động lực chính cho sự phát triển giáo dục.
Tuy nhiên, việc thực hiện Luật Nhà giáo sẽ đối diện với nhiều khó khăn và thách thức từ nhiều phía, dưới tác động của các yếu tố chính trị, xã hội, văn hóa, kinh tế. Một trong những thách thức lớn là nghề dạy học đang trải qua những biến đổi sâu sắc cùng với giáo dục dưới tác động của những xu thế toàn cầu liên quan đến tiến bộ công nghệ, bất ổn thương mại, xung đột địa chính trị, chuyển đổi dân số, phát triển bền vững.
Để hiện thực hóa cam kết của Đảng và Nhà nước, việc tổ chức thực hiện Luật Nhà giáo cần tập trung vào xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo có khả năng thích ứng và kiến tạo tương lai. Các nhà giáo cần có khả năng tương tác, gắn kết giữa nhà trường với gia đình, cộng đồng, trao đổi giữa các trường học, và làm việc hiệu quả trong các nhóm đa ngành.
Đặc biệt, nhà giáo cần có năng lực mới như năng lực hợp tác, năng lực nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo trong tương lai phải tích hợp mạnh mẽ các kỹ năng liên ngành và giao tiếp, chuyển trọng tâm từ sự xuất sắc cá nhân sang tác động tập thể.
Một số giải pháp ưu tiên được khuyến nghị trong việc tổ chức thực hiện Luật Nhà giáo:
– Phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo theo hướng chuyển đổi, thích ứng và đáp ứng sự tiến hóa của nghề dạy học.
– Phát huy quyền tự chủ, tự quyết cùng các kỹ năng lãnh đạo và quản lý của nhà giáo để thực hiện sáng tạo các hoạt động chuyên môn.
– Thúc đẩy cơ chế hợp tác và làm việc nhóm trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.
– Đẩy mạnh triển khai xây dựng và phát triển văn hóa học đường, với hạt nhân trung tâm là hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và hợp tác quốc tế.
Đưa Luật Nhà giáo vào cuộc sống đòi hỏi tiếp cận toàn diện, toàn Chính phủ, toàn xã hội, để hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc nâng cao vị thế, động lực, năng lực của đội ngũ nhà giáo với tư cách lực lượng chính chịu trách nhiệm đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.