Nhiều căn hộ cũ ở phân khúc bình dân, trung cấp tại Hà Nội đã trở thành nơi “tích sản” đáng giá sau một thời gian dài sử dụng. Giá bán của những căn hộ này đã tăng vọt, trái ngược với quan niệm trước đây rằng chúng sẽ giảm giá trị theo thời gian.
Chẳng hạn, chị Hương sở hữu một căn hộ gần 80m2 trên đường Vũ Phạm Hàm (phường Yên Hòa), mua vào năm 2013 với giá chưa đến 25 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2017, khi rao bán, khách mua chỉ trả 22-23 triệu đồng/m2. Thấy có thể lỗ, chị Hương đã quyết định không bán. Thế nhưng, khoảng 5 năm trở lại đây, kịch bản đã đảo chiều. Căn hộ chị từng tính bán lỗ giờ đã được trả giá gấp gần 3 lần so với lúc mua.

Tình trạng căn hộ cũ tăng giá gấp 2, gấp 3 sau 10 năm không phải là cá biệt mà đang trở thành xu hướng của thị trường căn hộ tại Thủ đô trong 3-4 năm trở lại đây. Tại khu Nam An Khánh (huyện Hoài Đức cũ), giá căn hộ đã tăng vọt từ 14-18 triệu đồng/m2 lên 40-45 triệu đồng/m2. Dự án Ecolife Tây Hồ có giá 26 triệu đồng/m2 hồi năm 2016, đến nay đã đạt mức trung bình 80 triệu đồng/m2 – tương đương với nhóm căn hộ cao cấp.
Các chuyên gia nhận định rằng nhu cầu nhà ở tại khu vực trung tâm tăng cao trong khi nguồn cung chưa đáp ứng được là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Ngoài ra, giá chung cư cũ tăng còn là hệ quả tất yếu khi những dự án mới neo giá quá cao, vượt khả năng tiếp cận của đa số người dân. Nhiều người buộc phải chuyển hướng sang mua căn hộ cũ.
Hạ tầng và tiện ích quanh các khu chung cư cũ đã thay đổi rõ rệt, hưởng lợi từ các đại dự án kế cận. Căn hộ cũ trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn nhờ khả năng tạo ra dòng tiền và khả năng gia tăng giá trị tài sản. Tuy nhiên, không phải mọi dự án đều dễ bán, người mua có xu hướng ưu tiên những dự án có vị trí thuận lợi, kết nối thuận tiện, cộng đồng dân cư tốt và có khả năng tạo ra dòng tiền.