Chuyển đổi số trong khu vực công đang trở thành một trụ cột chiến lược quan trọng trong tiến trình cải cách thể chế quốc gia. Việc ứng dụng công nghệ số vào khu vực công không chỉ giúp tối ưu hóa hoạt động của các cơ quan Nhà nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận dịch vụ công nhanh chóng.

Tại Diễn đàn ‘Chuyển đổi số khu vực công – Tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội’ do Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam tổ chức, các chuyên gia hàng đầu đã tập trung thảo luận về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực công. Các chuyên gia khẳng định rằng chuyển đổi số trong doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng công nghệ và nguồn lực. Phó Viện Trưởng Viện Trí Việt IVM – Nguyễn Hữu Thái Hòa, cho rằng phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ tại các cơ quan Nhà nước còn nhiều lạc hậu, ngân sách dành cho chuyển đổi số thường bị giới hạn, và việc triển khai hạ tầng như trung tâm dữ liệu, mạng lưới 5G, hoặc phần mềm quản lý đòi hỏi chi phí lớn.

Ngoài ra, khu vực công thường gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân nhân tài công nghệ do mức lương không cạnh tranh so với khu vực tư nhân. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng mở ra cơ hội lớn trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ công của đất nước.
Các công cụ như hệ thống quản lý văn bản điện tử, chữ ký số, hoặc quy trình phê duyệt trực tuyến giúp giảm thời gian xử lý công việc, cho phép người dân nộp hồ sơ mà không cần đến cơ quan hành chính. Thực hiện chuyển đổi số để cải thiện chất lượng dịch vụ công trực tuyến và cung cấp các dịch vụ công ở mức độ 3 và 4, sẽ giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi.
Từ đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng, đến nộp thuế trực tuyến… Tiến trình tiếp theo của chuyển đổi số sẽ là hướng tới cá nhân hóa dịch vụ, với dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng để phân tích nhu cầu của người dân, từ đó cung cấp dịch vụ phù hợp hơn.
Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng thảo luận về việc chống tham nhũng và tăng cường sự minh bạch trong quản lý Nhà nước thông qua các nền tảng số hóa. Hệ thống số hóa giúp công khai ngân sách, kế hoạch phát triển, hoặc các quyết định hành chính, tăng cường sự giám sát của người dân.
Đồng thời, các chuyên gia cũng đưa ra giải pháp về đầu tư hạ tầng công nghệ, tăng ngân sách cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng số, và xây dựng các chương trình đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, công chức. Khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ tham gia phát triển giải pháp số cho khu vực công, như ứng dụng AI, blockchain…
Chuyển đổi số khu vực công sẽ khó tạo ra đột phá thực chất nếu chỉ được nhìn nhận như một nhiệm vụ công nghệ đơn thuần. Việc tích hợp chuyển đổi số vào quá trình cải cách kinh tế – thể chế sẽ giúp phát huy vai trò là một ‘nền tảng tăng trưởng mới’.