Cuộc chiến 12 ngày giữa Israel và Iran đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong chiến tranh tâm lý, khi mạng xã hội, tin giả và trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành vũ khí chiến lược mới, nguy hiểm hơn cả tên lửa.

AI và mạng xã hội đã làm thay đổi cục diện chiến tranh thông tin, cho phép các quốc gia phản ứng tức thì trước các sự kiện và tiếp cận người dân trong nước lẫn cộng đồng quốc tế một cách thuyết phục hơn bao giờ hết.
Vài giờ trước khi Israel không kích nhà tù Evin ở Tehran vào ngày 23/6, các bài đăng bằng tiếng Ba Tư đã xuất hiện trên mạng xã hội, dự báo vụ tấn công và kêu gọi người dân Iran tới giải cứu tù nhân.
Sau khi tên lửa rơi xuống, một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội X và Telegram, được cho là ghi lại cảnh nổ ở cổng vào nhà tù Evin.
Tuy nhiên, vụ không kích là thật, nhưng các bài đăng và đoạn video đi kèm không đúng như những gì chúng thể hiện.
Cả Israel và Iran dường như đã biến mạng xã hội thành chiến trường số, sử dụng tin giả và đánh lạc hướng nhằm tác động đến diễn biến thực địa, bên cạnh các đòn tấn công bằng tên lửa khiến hàng trăm người thiệt mạng và làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông.
Mức độ và cường độ của cuộc chiến thông tin lần này vượt xa những gì từng diễn ra trước đây.
Chiến tranh thông tin, còn gọi là chiến tranh tâm lý (psyops), vốn không phải là khái niệm mới.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, chiến dịch giữa Israel và Iran lần này có quy mô lớn hơn và mục tiêu cụ thể hơn, được hàng triệu người chứng kiến trực tiếp qua màn hình điện thoại ngay giữa lúc bom rơi đạn nổ.
Phía Iran được cho là đã gửi cảnh báo bằng tiếng Hebrew tới hàng nghìn điện thoại di động tại Israel, khuyên người nhận tránh các hầm trú ẩn vì các tay súng đang lên kế hoạch đột nhập và tấn công người bên trong.
Ngược lại, một mạng lưới tài khoản được cho là của Israel đăng tải các nội dung bằng tiếng Ba Tư nhằm làm suy giảm niềm tin của người dân Iran vào chính phủ, bao gồm cả các video do AI tạo ra với giọng đọc của một “người phụ nữ” ảo.
Giáo sư James J.F. Forest thuộc Đại học Massachusetts Lowell nhận định: “Chắc chắn đây là một kỷ nguyên mới của chiến tranh ảnh hưởng.
Chưa từng có thời điểm nào trong lịch sử mà quy mô tuyên truyền có thể được mở rộng đến mức này”.
Cả Israel và Iran được cho là đã tiến hành các chiến dịch ảnh hưởng, đồng thời tận dụng AI để mở rộng phạm vi tác động.
Giáo sư Hany Farid (Đại học California, Berkeley) cho biết video giả mạo cảnh nổ ở nhà tù Evin là một ví dụ điển hình cho trình độ công nghệ ngày càng tinh vi của các bên.
Ông Farid so sánh mức độ lan truyền hiện nay với thời Thế chiến II, khi các quốc gia chỉ có thể phát thông điệp qua tờ rơi hoặc sóng phát thanh: “Khi đó, bạn có một thông điệp gửi tới nhiều người.
Giờ bạn có thể phát một triệu thông điệp tới một triệu người khác nhau.
Điều đó tạo ra sự khác biệt rất lớn”.
Công ty NewsGuard xác nhận phía Iran đã phát tán ít nhất 28 thông tin sai lệch qua mạng xã hội và các kênh truyền thông.
AI giờ không chỉ dịch nội dung sang các ngôn ngữ khác mà còn điều chỉnh sắc thái cho phù hợp với từng nhóm người xem.
Giới chuyên gia cảnh báo rằng những gì đang diễn ra giữa Israel và Iran là hình mẫu cho loại hình chiến tranh trong tương lai – nơi thông tin giả, nội dung do AI tạo ra và mạng xã hội có thể được sử dụng như vũ khí chiến lược, song hành cùng tên lửa và xe tăng.