Trong bối cảnh hiện nay, khu vực kinh tế nhà nước (KTNN) đang đóng vai trò chủ lực trong các ngành, lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo vệ chủ quyền quốc gia, KTNN còn là lực lượng sản xuất chủ đạo, dẫn dắt và hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang nắm giữ vai trò trụ cột trong các lĩnh vực then chốt như năng lượng, tài chính, viễn thông, khai thác tài nguyên chiến lược, phát triển hạ tầng kỹ thuật quốc gia.
Các DNNN không chỉ là lực lượng sản xuất chủ đạo mà còn là công cụ điều tiết thị trường, hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và công bằng xã hội. Tuy nhiên, thực tế những năm qua, khu vực DNNN cũng bộc lộ nhiều bất cập. Chỉ số ICOR trung bình của DNNN ở mức 6,1, cao hơn nhiều so với khu vực tư nhân và doanh nghiệp FDI. Nhiều dự án do DNNN làm chủ đầu tư vẫn xảy ra tình trạng chậm tiến độ, đội vốn, hiệu quả thấp, gây lãng phí nguồn lực.
Về quản trị doanh nghiệp, nhiều DNNN vẫn duy trì mô hình quản lý mang tính hành chính, chưa ứng dụng đầy đủ thông lệ quản trị tiên tiến; chuyển đổi số còn chậm, dữ liệu phân tán. Từ Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX (năm 2001) về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN, đến Nghị quyết số 12-NQ/TW (năm 2017), Đảng ta luôn nhất quán quan điểm: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế; DNNN phải trở thành lực lượng vật chất quan trọng, dẫn dắt và hỗ trợ các thành phần kinh tế khác cùng phát triển.
Luật số 68/2025/QH15 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/8/2025, đã tạo hành lang pháp lý mới cho việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Luật này thể hiện bước tiến quan trọng trong thể chế hóa chủ trương của Đảng: tăng quyền tự chủ, tăng trách nhiệm giải trình, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Để phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả KTNN, cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm. Đó là hoàn thiện thể chế; đổi mới quản trị doanh nghiệp; đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn; chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; phân cấp gắn với trách nhiệm giải trình. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp này sẽ giúp khu vực KTNN phát huy vai trò chủ đạo, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Trong bối cảnh phát triển mới, KTNN với lực lượng nòng cốt là các DNNN vẫn giữ vai trò nền tảng trong phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, để khu vực này thực sự phát huy vai trò chủ đạo, không còn con đường nào khác ngoài tái cấu trúc toàn diện: vận hành theo nguyên tắc thị trường, quản trị hiện đại, minh bạch, chuyên nghiệp. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm từ các cấp quản lý, doanh nghiệp và toàn xã hội.