Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trải qua giai đoạn khó khăn với những tín hiệu trái chiều. Các số liệu mới về chỉ số giá sản xuất PPI và chỉ số giá tiêu dùng CPI đã được công bố, hé lộ những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt trong việc khôi phục nhu cầu nội địa và tăng trưởng.
Trong tháng 6, chỉ số giá sản xuất PPI của Trung Quốc đã giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức sụt giảm mạnh nhất trong gần 2 năm qua. Đây là con số lớn hơn dự báo giảm 3,2% theo khảo sát của Reuters. Điều này cho thấy ngành sản xuất nội địa của Trung Quốc vẫn đang tiếp tục vật lộn với các thách thức hiện nay, bao gồm nhu cầu trong nước vẫn ở mức thấp, cuộc chiến giá cả khốc liệt và tình trạng không chắc chắn trên thị trường quốc tế do thuế quan của Mỹ tạo ra.
Những thách thức đối với kinh tế Trung Quốc
Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến lợi nhuận doanh nghiệp và tạo ra một vòng sụt giảm luẩn quẩn về cả lạm phát, lợi nhuận và thu nhập người lao động. Các nhà đầu tư đang chờ đợi một gói kích thích kinh tế đủ mạnh từ giới chức để giúp nền kinh tế thoát khỏi vòng xoáy giảm phát hiện nay.
Trước đó, dữ liệu thương mại tháng 5 cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc chỉ tăng 4,8%, trong khi xuất khẩu sang Mỹ giảm hơn 1/3. Điều này có thể là những yếu tố thúc đẩy các động thái kích thích trong thời gian tới.
Tín hiệu lạc quan từ lĩnh vực tiêu dùng
Trong khi đó, lĩnh vực tiêu dùng lại chứng kiến một số tín hiệu lạc quan hơn, khi trong tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng nhẹ 0,1%, trong khi CPI lõi tăng 0,7% – mức cao nhất trong 14 tháng. Điều này cho thấy các gói kích thích tiêu dùng đã phần nào tạo ra hiệu quả, tuy nhiên sức phục hồi vẫn còn khá yếu so với kỳ vọng.