UBND TP.HCM đang tích cực đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ đề xuất đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao nối trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ. Trong văn bản mới đây, Phó chủ tịch UBND Thành phố Bùi Xuân Cường đã yêu cầu Sở Tài chính khẩn trương thúc đẩy nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ đề xuất đầu tư dự án theo quy định. Sở Tài chính cũng được giao phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát quy định pháp luật trong lĩnh vực đường sắt để tham mưu, đề xuất về quy trình, thủ tục đầu tư đối với các dự án đường sắt đô thị do nhà đầu tư đề xuất.
Dự án tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao nối trung tâm TP.HCM với Cần Giờ có tổng chiều dài lên đến 48,7 km, điểm đầu từ đường Nguyễn Văn Linh và điểm cuối tại khu đất 39 ha tiếp giáp Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Dự án này đã được đưa vào quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tên gọi chính thức là tuyến số 12.
Tập đoàn Vingroup là đơn vị đã gửi văn bản đề xuất UBND TP.HCM cho phép doanh nghiệp lập hồ sơ đề xuất Dự án vào đầu tháng 3/2025. Ngay sau đó, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho Tập đoàn Vingroup nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất Dự án tuyến đường sắt kết nối trung tâm Thành phố với huyện Cần Giờ theo phương thức đối tác công-tư (PPP). Đến nay, nhà đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ đề xuất đầu tư dự án. Sau khi nhận được hồ sơ, Sở Tài chính sẽ tổ chức thẩm định dự án theo quy định.
Phương thức PPP là một hình thức hợp tác giữa chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng. Với dự án tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao nối trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ, việc áp dụng PPP kỳ vọng sẽ giúp thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ khu vực tư nhân, giúp giảm gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, mô hình này cũng khuyến khích các nhà đầu tư đưa vào áp dụng các công nghệ tiên tiến trong xây dựng và vận hành dự án.
Trước đó, trong quá trình chuẩn bị và nghiên cứu dự án, các chuyên gia đánh giá cao tính khả thi và vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội mà dự án này mang lại. Đặc biệt, tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao này không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, mà còn góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các khu vực lân cận.